Axit uric cao có phải bị gout không?
Hà Lê
Gout là một trong số những bệnh lý viêm xương khớp phổ biến hiện
nay. Khi nồng độ axit uric trong máu tăng cao sẽ khiến các tinh thể muối urat
natri lắng đọng ở khớp dẫn đến đau nhức dữ dội, sưng, nóng đỏ khớp. Tuy nhiên,
thực tế những người có nồng độ axit uric ở ngưỡng bình thường vẫn có thể
bị gout và người có chỉ số axit uric cao nhưng không có triệu chứng thì chưa đủ
cơ sở để kết luận mắc gout.
Tiêu chuẩn vàng để xác định bệnh gout cần căn cứ vào các yếu tố:
Nồng độ axit uric trong máu tăng đi kèm với sự lắng đọng axit uric và gây ra
những tổn thương tại khớp.
Đến khám tại bệnh viện sau khi bị sưng đau ở khớp, anh T.M.A (32
tuổi, Ninh Bình) được chẩn đoán bị gout và cần điều trị. Anh khá bất ngờ vì
không nghĩ mình bị gout vì cứ nghĩ đây là "bệnh nhà giàu" mà bản thân
anh lại không ăn nhiều hải sản, thịt cá.
ThS.BSCKII Ly Rina, Bệnh viện An Việt tư vấn cho bệnh nhân bị bệnh gout. Ảnh: Hải Phạm© Được Lao Động cung cấp
Theo ThS.BSCKII Ly Rina, Bệnh viện An Việt, bệnh gout là một
dạng của bệnh viêm khớp. Nó có thể gây đau và sưng khớp. Lúc đầu, nó có xu
hướng chỉ ảnh hưởng đến 1 khớp, thường xuyên nhất là ngón chân cái. Nó xảy ra ở
những người có quá nhiều axit uric trong máu. Axit uric là một chất hóa học
được tạo ra khi cơ thể phân hủy một số loại thực phẩm.
Một vài vị trí dễ bị gout như khớp ngón tay, khớp cổ tay, khớp
ngón chân, khớp cổ chân,... Bệnh gout có tỉ lệ tái phát khá cao và khiến bệnh
nhân cảm thấy đau đớn.
Thực tế, tỉ lệ nam giới bị gout cao hơn nhiều so với nữ giới,
nhất là ở độ tuổi sau 30. Với thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học, tỉ
lệ số ca mắc bệnh gout ngày càng cao và độ tuổi mắc bệnh cũng có xu hướng trẻ
hóa.
Gout gây nên những tình trạng đau đớn kéo dài, khó chịu, tác
động xấu đến sức khỏe cũng như hoạt động hàng ngày. Khi bệnh được phát hiện
sớm, được điều trị hợp lý kết hợp cùng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh thì
có thể nâng cao hiệu quả chữa trị.
ThS.BSCKII Ly Rina cho biết nguyên nhân gây ra gout là do sự rối
loạn chuyển hóa của các axit uric ở bên trong cơ thể. Đa số các trường hợp mắc
bệnh đều do lạm dụng bia rượu và ăn uống dư thừa đạm khiến quá trình chuyển hóa
axit uric tăng mạnh.
Ở cơ thể khỏe mạnh, sau quá trình hình thành, các axit sẽ đi vào
trong máu và khi đến thận sẽ được lọc bỏ và đào thải ra bên ngoài.
Nhiều người hiểu lầm rằng, cứ tăng axit uric máu là mắc bệnh
gout, đây là quan niệm sai lầm. Bởi người được kết luận là mắc bệnh gout là khi
vừa có chỉ số nồng độ axit uric trong máu tăng, đi kèm với sự lắng đọng axit
uric và gây ra những tổn thương tại khớp. Do vậy, để chẩn đoán chính xác bạn có
bị bệnh gout hay không cần được khám và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cận
lâm sàng chuyên sâu để kết luận đúng dựa trên các tiêu chuẩn sẵn có.
Bệnh gout nếu không được điều trị và tuân thủ các quy định về ăn
uống, sinh hoạt có thể rây ra các biến chứng như khiến khớp bị viêm, sưng khớp
lên, gây tình trạng đi lại, cử động bị khó khăn, hạn chế.
Tăng axit uric là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh gout, bởi vậy,
người bệnh cần biết cách để kiểm soát nồng độ axit uric trong máu ở mức bình
thường, phòng ngừa bệnh gout hiệu quả bằng cách:
Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất đạm như hải sản (mực, cua,
tôm), các loại thịt đỏ (bò, trâu, dê), nội tạng như phổi, gan; Ăn nhiều rau
xanh, củ quả, trái cây; Uống 1 - 1.5 lít nước/ngày nhằm hạn chế sự kết tủa của
muối urat và tăng khả năng lọc thải acid uric; Không dùng bia rượu và đồ uống
có ga; Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh không thức khuya, tránh căng
thẳng, vệ sinh cơ thể giúp lưu thông khí huyết...
Nhận xét
Đăng nhận xét