Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

2. Người uống nước hoa quả, siro…vi phạm nồng độ cồn: Cục CSGT nói gì?

 Uống nước hoa quả mà vi phạm nồng độ cồn là hãn hữu

Ngày 22/2, tại Hội nghị thông tin công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đầu năm 2023 do Cục Cảnh sát Giao thông (C08, Bộ Công an) tổ chức, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, ngưỡng xử lý vi phạm nồng độ cồn hiện đã được quy định rõ trong Nghị định 100/2019 và các quy định hiện hành. Theo đó, những trường hợp uống nước hoa quả, siro... mà vi phạm nồng độ cồn là rất hãn hữu.

Để xác định người vi phạm nồng độ cồn, ngoài việc thực hiện theo nghiệp vụ, việc đo nồng độ cồn hiện nay được thực hiện bằng hai bước: đo định tính, sau đó mới đo định lượng.© Kiến Thức

Theo ông Đức, hiện nay trên máy đo nồng độ cồn có hai chế độ. Một là chế độ đo định tính, hai là đo định lượng.

 Quy trình xử lý nồng độ cồn, chúng tôi đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham mưu các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế và các bộ ngành có liên quan và tuân thủ theo luật và những quy định hiện hành. Để xác định người vi phạm nồng độ cồn, ngoài việc thực hiện theo nghiệp vụ, việc đo nồng độ cồn hiện nay được thực hiện bằng hai bước: đo định tính, sau đó mới đo định lượng. Những người ăn hoa quả, sử dụng thuốc đau răng, uống siro… thì đã được đo bằng định tính, xác định có cồn mới đo bằng định lượng. Gần như khi không có trường hợp nào bị xử lý sai về kết quả nồng độ cồn. Cảnh sát giao thông thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo không xử lý sai quy định", Thiếu tướng Lê Xuân Đức nói.

Nói đề nghị tăng mức xử phạt nồng độ cồn để tăng mức răn đe, thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, Cục Cảnh sát giao thông ghi nhận ý kiến này. Trong quá trình xây dựng luật, nghị định thì đơn vị sẽ tiếp thu ý kiến, báo cáo cơ quan chức năng để mức xử phạt đủ sức răn đe. “Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo hai chuyên đề trọng tâm từ năm 2022-2023, đó là xử lý nồng độ cồn và cơi nới xe thùng, quá tải. Việc xử lý này không có vùng cấm”, ông Đức nhấn mạnh.

Báo cáo của Cục CSGT, từ ngày 15/11/2022 đến 5/2/2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã huy động 273.587 lượt tổ công tác với 1.116.049 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức tuần tra kiểm soát, đã phát hiện 660.908 trường hợp vi phạm. Phạt tiền 1.246 tỉ 708 tỷ đồng. Tước giấy phép lái xe 121.071 trường hợp, tạm giữ 9.048 ôtô, 175.781 môtô, 21 phương tiện thủy.

Về chuyên đề nồng độ cồn, đã xử lý 117.381 trường hợp, phạt tiền 543 tỷ 255 triệu đồng. So với cùng thời kỳ, xử phạt tăng 20.804 trường hợp. Xử lý 19.559 trường hợp xe tải cơi nới thành thùng, chở quá trọng tải quy định...

Cũng trong thời gian này, cả nước đã xảy ra 2.515 vụ tai nạn giao thông làm chết 1.458 người, bị thương 1.745 người, giảm 103 vụ, tăng 48 người chết, giảm 137 người bị thương so với cùng kỳ.

Người dân có quyền kiểm tra nguồn gốc máy đo nồng độ cồn?

Tại Hội nghị, trả lời câu hỏi về việc người dân có quyền yêu cầu kiểm tra máy đo nồng độ cồn, xác minh nguồn gốc và tem kiểm định để đảm bảo việc đo nồng độ cồn chính xác hay không, thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, trong quy chế dân chủ bảo đảm công tác trật tự an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông đã công khai kế hoạch trên website của cục và công an các tỉnh, thành phố.

"Phương tiện, thiết bị nghiệp vụ trang cấp cho lực lượng cảnh sát giao thông theo quy định của Bộ Công an. Do vậy người dân được giám sát, kiểm tra những gì được pháp luật quy định. Đối chiếu pháp luật cho thấy không có việc quy định kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của dụng cụ này. Việc kiểm tra thuộc về phạm vi, chức năng của cơ quan chức năng. Trách nhiệm của người dân đã được quy định cụ thể trong quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông", thiếu tướng Lê Xuân Đức thông tin.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét