Những biện pháp cải thiện gan nhiễm mỡ tại nhà

 Tập thể dục, giữ cân nặng hợp lý, ăn nhiều rau, trái cây và cá béo, ít thịt đỏ, uống cà phê… làm chậm sự tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là tình trạng tích trữ mỡ thừa trong gan mà nguyên nhân không phải do rượu. Trong một số trường hợp, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu có thể gây viêm và sẹo (xơ gan), tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến suy gan, cần ghép gan.

Một số biện pháp cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và đẩy lùi một số tổn thương, ngay cả khi chúng không chữa khỏi theo tờ Very well Health (Mỹ).

1. Duy trì cân nặng hợp lý

Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, có nguồn gốc từ thực vật và tập thể dục thường xuyên có thể ngăn chất béo tích tụ trong gan. Bởi vì các yếu tố nguy cơ chính của căn bệnh này là béo phì và tiểu đường, cả hai đều liên quan đến cân nặng. Béo phì và bệnh tiểu đường rất phổ biến ở các nước phát triển. Một người có thể giảm bớt yếu tố nguy cơ nếu giảm bớt số cân nặng thừa, duy trì cân nặng hợp lý.

Đây là công thức:

Cân nặng hợp lý (Kg) = (Chiều cao (cm)-1,00)x0,9

2. Chế độ ăn uống lành mạnh

Vào năm 2018, các nhà nghiên cứu dinh dưỡng tại Australia đã tổng kết hơn 100 nghiên cứu về chế độ ăn uống liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và đưa ra 5 khuyến nghị được đồng tình nhiều nhất.

Cụ thể là chế độ ăn uống lành mạnh như chế độ ăn Địa Trung Hải có nhiều chất béo lành mạnh, cá, rau và ít thịt đỏ; hạn chế đường fructose trong thực phẩm chế biến sẵn, tránh đồ uống có đường; tăng cường tiêu thụ chất béo không bão hòa đa omega-3 và chất béo không bão hòa đơn như sử dụng dầu ô liu, ăn cá nhiều chất béo như cá hồi, cá mòi 2-3 lần một tuần, các loại hạt hàng ngày. Tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ như nhiều rau, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch, các loại hạt và giảm tiêu thụ thực phẩm chế biến như thức ăn nhanh, đồ ngọt, tránh uống quá nhiều rượu cũng là gợi ý cho người mắc căn bệnh này.

© Được VnExpress cung cấp Chế độ ăn Địa Trung Hải với nhiều chất béo lành mạnh từ cá béo, hạt, dầu ô liu... tốt cho sức khỏe gan. Ảnh: Freepik

3. Tập thể dục thường xuyên

Trong khuyến nghị của Hiệp hội nghiên cứu bệnh gan Mỹ, tập thể dục giúp giảm cân bền vững theo thời gian và tập thể dục giúp ích cho tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu, ngay cả khi không giảm cân đáng kể. Thời lượng tập thể dục vừa phải là 5 buổi mỗi tuần, trong 30 phút. Nếu bạn chưa có thói quen tập thể dục thì nên bắt đầu với thời lượng ngắn, cường độ thấp và sau đó tăng dần lên. Bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn mục tiêu thể chất phù hợp dựa trên tình trạng sức khỏe và sử dụng thuốc.

4. Uống cà phê

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra cà phê có thể giúp chống lại hội chứng chuyển hóa, thường đi đôi với bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Điều này có thể là do tác dụng chống viêm của cà phê hoặc ức chế sự lắng đọng chất béo trong gan. Cả thí nghiệm trên động vật và con người đều cho thấy tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ thấp hơn ở những người uống cà phê.

5. Cung cấp đầy đủ lượng vitamin E, C

Vitamin C, E chứa chất chống oxy hóa có thể giúp tăng cường sức khỏe gan. Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh gan Mỹ khuyến nghị lượng vitamin là 800 IU mỗi ngày cho những người không mắc bệnh tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Bổ sung vitamin C cùng vitamin E giúp giảm thiểu tổn thương gan do bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

6. Tránh thêm đường vào chế độ ăn

Thêm đường tinh luyện vào chế độ ăn uống sẽ làm tăng thêm calo mà không mang lại lợi ích dinh dưỡng. Lượng đường cao như fructose làm tăng các enzym tạo chất béo trong gan, có thể làm trầm trọng hơn tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu. Mặc dù đường fructose có trong trái cây tự nhiên nhưng người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thường do uống nước ngọt có đường, các loại thực phẩm chế biến có nhiều fructose.

7. Tránh tiếp xúc với chất độc hại; dùng thuốc theo chỉ định

Tiếp xúc với các chất độc có trong hóa chất công nghiệp, một số loại thuốc và thậm chí cả thức ăn có thể làm suy yếu chức năng gan, góp phần vào sự phát triển của gan nhiễm mỡ. Ngoài việc tránh xa các chất độc hại, bạn có thể cân nhắc việc thải độc tố cho gan với chế độ ăn lành mạnh. Người bệnh nên ưu tiên chọn các loại thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến như trái cây tươi, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, dầu lành mạnh, protein nạc và sữa ít béo.

Mặc dù một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến gan nhưng người bệnh không nên tự ý dừng uống thuốc được bác sĩ kê đơn mà chưa hỏi ý kiến.

                             Kim Uyên (Theo Verywell Health)

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến