3. Lí do nồng độ cồn trong ngưỡng cho phép vẫn bị phạt
Câu chuyện của tác giả Hà Minh • 11 giờ trước
TP - Không ít người
căn cứ vào quy định của Bộ Y tế về nồng độ cồn trong máu để cho rằng khi nồng độ
cồn trong ngưỡng 10.9 mmol/l sẽ không bị phạt. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế
thông tin, kết quả có nồng độ cồn trong máu ở mức nhỏ hơn 10.9 mmol/l không đồng
nghĩa với cách hiểu "cho phép trong máu có cồn dưới 0,5023 mg/ml máu"
hay "coi đó là cồn tự nhiên trong cơ thể".
Trước tình hình sử dụng
rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu,
bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng, Quốc hội đã quy
định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ
cồn”.
Tiền Phong Lực lượng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn các lái xe 1© Tiền Phong |
Lực lượng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn các lái xe |
Nhưng thực tế việc sử
dụng các thức ăn như trái cây, sữa chua nếp cẩm hay đồ uống có nước ngọt ga...
cũng có thể sinh ra cồn tự nhiên. Vậy làm thế nào để phân biệt cồn tự nhiên và
cồn do sử dụng rượu bia? Liệu tài xế có bị phạt nếu phát hiện nồng độ cồn trong
ngưỡng cho phép theo quy định của Bộ Y tế? Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang,
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, quy định này để phân loại các mức,
ngưỡng tương ứng với mức độ biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng. Hiện nay
các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể.
Đối với việc quy định
nồng độ cồn trong máu, Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/1/2014 của Bộ trưởng Bộ
Y tế có quy định về định lượng ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu tại mục
60. Theo đó, tại điểm IV “nhận định kết quả” của mục 60 có ghi: Trị số bình thường:
<10.9 mmol/l; Ethanol 10.9-21.7 mmol/l: biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ
chậm chạp, giảm nhạy bén; 21.7 mmol/l: biểu hiện ức chế thần kinh trung ương;
86.8 mmol/l: có thể gây nguy hại cho tính mạng. Do đó, trường hợp lái xe có trị
số nồng độ cồn trong máu nhỏ hơn 10.9 mmol/l là có nồng độ cồn trong máu và áp
dụng theo quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số
100/2019/NĐ-CP để xem xét, giải quyết.
Theo bà Trang, Luật
Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cấm “điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe
máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” và đã áp dụng
ổn định đối với người điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trong 10
năm trước khi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành. Luật
phòng, chống tác hại của rượu, bia đã kế thừa quy định này, mở rộng thêm đối với
người điều khiển xe máy và các phương tiện giao thông khác.
Bà Trang cũng cho biết tại khoản 5, Điều 2, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định xử phạt đối với các hành vi liên quan đến điều khiển phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Do đó, điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là vi phạm quy định tại Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết thông thường, sau 1 giờ gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (tương đương 10 gr cồn nguyên chất), tương đương 220 ml bia (2/3 chai nồng độ cồn 5%), tương đương 100 ml rượu vang (nồng độ cồn 13,5%), tương đương 30 ml rượu mạnh (nồng độ cồn 40%). Thông thường để đào thải hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể có thể phải mất khoảng 2 giờ nữa. Tuy nhiên, với những người có gan yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm thì việc đào thải cồn có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét