Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

Lợi ích của giấm táo trong việc đào thải axit uric ra khỏi cơ thể

  Hà Lê (Theo VFA)

Giấm táo giúp đào thải axit uric. Đồ họa: Thanh Ngọc© Lao Động
Nếu lượng axit uric cao trong máu có thể gây bệnh gout và để giúp kiểm soát tốt, bạn cần theo dõi lượng thực phẩm ăn uống của bạn hàng ngày. Giấm táo là một trong những thực phẩm giúp bạn giữ axit uric ở mức bình thường.

Axit uric là một sản phẩm của chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể. Khi tế bào chết đi, nhân của nó bị phá hủy và chuyển hóa thành axit uric. Đây là nguồn axit uric nội sinh. Ngoài ra, những loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật (nhất là nội tạng, hải sản…) cũng có nhân tế bào, khi ăn vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit uric.

Axit uric được đào thải 80% qua đường tiết niệu, 20% qua đường tiêu hóa và da. Trong quá trình chuyển hóa, khi nguồn tạo thành axit uric nhiều nhưng thải ra ít thì sẽ làm cho chúng bị giữ lại trong máu, kết tinh thành những tinh thể muối urat có hình kim sắc nhọn ở khớp và gây ra triệu chứng của bệnh gút.

Lượng axit uric máu nhỏ hơn hoặc bằng 70 mg/l (420 micromol/l) với nam và 60 mg/l (360 micromol/l) với nữ là chỉ số bình thường. Nếu vượt qua chỉ số này thì bạn đang bị tăng axit uric máu và nguy cơ mắc bệnh gút sẽ rất cao.

Gần đây, nhiều người ưa chuộng sử dụng giấm táo hơn các loại giấm khác, do tính thiết thực cho sức khỏe, sắc đẹp và nhiều công dụng khác trong căn bếp mà giấm táo mang lại.

Táo rất giàu axít malic, giúp trung hòa axit uric. Điều này giúp giảm nhẹ cho những bệnh nhân đang bị lượng axít uric cao trong máu.

Uống giấm táo cũng có lợi cho những người bị axit uric cao. Bạn có thể thêm 3 thìa cà phê giấm vào 1 cốc nước. Uống giấm táo giúp điều trị tình trạng axít uric cao. Axit malic, thành phần chính của táo, giúp đưa mức axit uric trở lại bình thường. Bạn có thể thêm 1-3 thìa giấm táo vào 250ml nước ấm và uống 2-3 lần/ngày. Ăn táo tươi cũng có tác dụng tương tự.

Hàm lượng axit uric trong máu cao không được đào thải ra khỏi cơ thể gây ra sự hình thành các tinh thể muối Urat. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh gout được hình thành. Trong giấm táo có axit malic – một hoạt chất có tác dụng phá vỡ và loại bỏ axit uric vô cùng hiệu quả.

 

LỢI ÍCH SỮA CHUA VỚI BỆNH GÚT

 

Sữa và các sản phẩm từ sữa có thể có tác động tốt đến bệnh nhân mắc bệnh gút. Ảnh: Huyền Mai.© Lao Động

Sữa và các sản phẩm từ sữa có thể có tác động tốt đến bệnh nhân mắc bệnh gút. Các protein trong sản phẩm từ sữa có thể giúp cơ thể loại bỏ và hạ thấp nồng độ axit uric, ngăn ngừa các tinh thể axit uric tích tụ trong khớp gây ra bệnh gút.

Theo Tổ chức Viêm khớp (the Arthritis Foundation), tiêu thụ các sản phẩm từ sữa ít béo có thể giúp giảm nồng độ axit uric và giảm nguy cơ bùng phát bệnh gút. Protein có trong sữa cũng giúp loại bỏ axit uric qua đường nước tiểu.

Sữa tác động đến bệnh gút như thế nào?

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy các sản phẩm từ sữa giúp làm giảm nồng độ axit uric trong cơ thể và làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Sữa có chứa ít purin. Đồng thời, sữa chứa casein, whey protein và canxi - giúp cơ thể bài tiết axit uric qua đường nước tiểu.

Một nghiên cứu khác năm 2021 đã nghiên cứu mức độ phổ biến của bệnh gút ở Nhật Bản và mối liên hệ của nó với chế độ ăn uống hằng ngày. Tác giả bài nghiên cứu chỉ ra rằng, sữa bột tách béo có chứa chiết xuất chất béo sữa G600 và một chất tên glycomacropeptide - một loại protein giúp cải thiện tình trạng đau khớp và làm giảm các đợt bùng phát bệnh gút trong 3 tháng.

Sữa có tác hại gì với bệnh gút không?

Không chỉ an toàn, sữa còn có lợi cho những người mắc bệnh gút. Một số sản phẩm từ sữa giúp làm giảm nguy cơ mắc nồng độ axit uric cao và bệnh gút.

Tổ chức Viêm khớp khuyên những người mắc bệnh gút nên uống sữa tách béo. Protein có trong sữa có thể giúp loại bỏ các axit uric dư thừa, từ đó giúp giảm nồng độ axit uric trong máu và giảm nguy cơ bùng phát bệnh gút. Tuy vậy, bệnh nhân gút cũng được khuyên không nên ăn uống các sản phẩm từ sữa có chất béo.

Người bị bệnh gút nên uống bao nhiêu sữa một ngày?

Một số chuyên gia khuyên rằng, chế độ ăn Địa Trung Hải và DASH là chế độ ăn tốt nhất cho bệnh nhân gút và để tăng cường sức khỏe tổng thể.

Chế độ ăn Địa Trung Hải bao gồm tiêu thụ vừa phải các sản phẩm từ sữa ít béo, mỗi ngày hoặc mỗi tuần, trong đó một khẩu phần tương đương với một ly sữa, hoặc sữa chua.

Chế độ ăn DASH bao gồm 2-3 khẩu phần sản phẩm từ sữa ít béo hoặc sữa tách béo mỗi ngày.

Loại sữa nào là tốt nhất?

Sữa ít béo hoặc sữa tách béo là loại sữa có lợi nhất cho người mắc bệnh gút hoặc người mắc chứng huyết áp cao.

Theo Tổ chức Viêm khớp, các lựa chọn sản phẩm từ sữa phù hợp với người bệnh gút bao gồm:

Sữa không lactose

Sữa hạt

Sữa đậu nành


 

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

Mối liên hệ cần biết giữa cà chua và axit uric

 

Mối liên hệ giữa cà chua và axit uric. Ảnh minh họa: Doãn Hằng© Lao Động

Bệnh gút là một dạng viêm khớp xuất hiện khi một chất hóa học gọi là purine bị phân hủy thành axit uric.

Một số báo cáo cho thấy, có mối liên hệ giữa cà chua và các đợt phát bệnh gút. Những người ăn nhiều cà chua có xu hướng chứa nồng độ axit uric cao hơn - một nguyên nhân gây ra bệnh gút. Tuy nhiên, không phải tất cả người bị bệnh gút đều do nguyên nhân này. Hai yếu tố di truyền và sức khỏe tổng thể cũng là tác nhân liên quan.

Ngoài ra, qua nghiên cứu, hầu hết axit uric huyết thanh (500-600 mg/ngày) đến từ các nguồn bên trong cơ thể, trong khi một phần nhỏ hơn (100-200 mg/ngày) đến từ việc ăn thực phẩm có chứa purine.

Do đó, việc cắt bỏ những thực phẩm sản sinh axit uric có thể giúp kiểm soát cơn phát gút ở một số bệnh nhân, nhưng không phải với tất cả đối tượng.

Để biết cà chua có phải là tác nhân gây bệnh gút cho cơ thể mình hay không, có thể ghi lại các thực phẩm đã sử dụng theo dạng nhật ký. Chẳng hạn, có thể loại cà chua trong vài tuần và theo dõi các triệu chứng.

Nồng độ axit uric cao có thể khiến máu hình thành các tinh thể xung quanh khớp, dẫn đến viêm và đau khớp. Tránh thực phẩm chứa nhiều purine có thể làm giảm lượng axit uric cơ thể tạo ra. Đối với một số người, chỉ cần áp dụng như vậy là đủ để ngăn ngừa cơn đau gút bùng phát.

Trường hợp xác định cà chua là tác nhân gây ra gút, người bệnh có thể thay thế bằng ớt chuông, bí đao, cà tím, củ cải.

Thực phẩm giàu purine (tạo nên axit uric) có thể làm tăng các triệu chứng bệnh gút. Loại bỏ hoặc giảm bớt những thực phẩm này trong chế độ ăn uống có thể giúp kiểm soát bệnh gút dễ dàng hơn. Những thực phẩm cần tránh bao gồm: Thịt và các sản phẩm từ thịt, hải sản, đậu, cháo bột yến mạch, rau chân vịt, măng tây, nấm, rượu bia.

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2024

CHẾ ĐỘ ĂN CỦA NGƯỜI MẮC BỆNH GUOT

 

Người bệnh gout nếu không có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp trong dịp nghỉ lễ có nguy cơ gặp phải cơn gút cấp tính phải nhập viện điều trị.

Người bệnh gút cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt trong thời gian nghỉ lễ - Ảnh: THU HIẾN© Được Tuổi trẻ cung cấp

Duy trì dùng thuốc điều trị bệnh gout đều đặn

Bác sĩ Bùi Huy Cận - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 - cho hay trong dịp nghỉ lễ người bệnh gout cần chú ý chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày để phòng tránh nguy cơ gout cấp tính.

Nếu đã được khám và chẩn đoán bệnh gout, cần chú ý tái khám, xin toa thuốc uống cho qua hết thời gian nghỉ lễ.

Đặc biệt, nên duy trì dùng thuốc điều trị bệnh đều đặn hằng ngày. Nếu dùng thuốc không đều hoặc tự ý bỏ thuốc sẽ làm bệnh dễ tái phát.

Ngoài ra, nếu có dùng thêm thuốc để điều trị những bệnh lý khác thì nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn. Tránh tự uống những thuốc có thể làm tăng acid uric/máu.

Trong thời gian dùng thuốc, nếu có lên cơn viêm gút cấp thì người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị hạ cơn đau gout xuống.

Không nên ăn uống thả ga

Đối với chế độ ăn uống, dịp nghỉ lễ trên mâm cơm của mỗi gia đình đều có rất nhiều món ăn, những món ăn này giàu calo.

Do đó, người bệnh gout không nên ăn uống nhiều và phải kiêng những món ăn có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng bệnh.

Cụ thể, cần tránh uống nước ngọt, nước tăng lực vì các loại này sẽ làm tăng nguy cơ kết tủa urat ở ống thận, tăng nguy cơ mắc bệnh và sỏi thận.

Với rượu, bia, đồ uống có gas, người bệnh càng không nên sử dụng vì các thức uống này vừa trực tiếp, vừa gián tiếp gây tăng sản xuất acid uric và giảm đào thải uric qua thận.

Đối với đồ ngọt, nên hạn chế ăn sô cô la trắng (sữa), bánh kẹo để tránh thừa cân hoặc làm tăng đường/máu không tốt cho người bị bệnh đái tháo đường và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh gout.

Theo bác sĩ Cận, người bị bệnh gout cần tuyệt đối tránh ăn những loại thịt màu đỏ như thịt bò, thịt trâu, thịt dê, thịt ngựa, thịt chó… bởi chúng chứa hàm lượng đạm cao.

Nếu người bệnh ăn vào sẽ dẫn đến dư thừa protein, sản sinh và gia tăng acid uric/máu, gây ra các cơn đau gout.

Đặc biệt tránh ăn tạng phủ động vật như tim, gan, lòng, lá lách, thận, phổi do trong tạng phủ động vật có chứa lượng cholesterol và purin khá cao có thể gây ra các cơn đau gout cấp bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất béo như mỡ, da động vật, đồ chiên xào, những thực phẩm chế biến sẵn với nhiều chất béo như mì tôm, thức ăn nhanh.

Với thực vật, không nên ăn những thực phẩm chứa nhiều nhân purin như măng tây, măng tre, nấm, giá đỗ, các loại đậu đỗ, bạc hà (dọc mùng)… dễ làm bộc phát cơn đau gout cấp.

Người bệnh gout tránh ăn gà tây, thịt ngỗng, trứng vịt lộn, hải sản, tôm, cua... bởi đây là những thực phẩm có hàm lượng purin cao, giàu đạm và chất béo.

Thay vào đó, nên sử dụng tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, củ sắn, cà chua… giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm, làm giảm sự hình thành acid uric/máu.

Ưu tiên ăn nhiều trái cây tươi chứa nhiều vitamin C, E như: cherry, dâu tây, dứa, nho, dưa hấu, táo, lê, đu đủ chín, các loại rau như cải bẹ xanh, súp lơ, rau cần, rau muống, rau ngót, lá lốt, rau cải xoong, cà rốt, gấc, cà chua, bí đỏ… vì vừa giàu vitamin C, E, vừa giúp đào thải acid uric/máu rất tốt cho người bệnh gút.

Chú ý luyện tập thể dục, thể thao

Bác sĩ Cận lưu ý, người bệnh gout cũng nên có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi, vui chơi, tập luyện thể dục thể thao hợp lý, kiểm soát cân nặng, để luôn đảm bảo có một sức khỏe dồi dào.

Duy trì thói quen tập thể dục, tránh làm việc nặng, quá sức. Nếu lỡ ăn nhiều món ăn giàu đạm, người bệnh nên tăng cường vận động để tiêu hao lượng calo dư thừa bằng cách đi bộ, đạp xe đạp hoặc khởi động tại chỗ…

Đặc biệt, luôn giữ cho mình trạng thái tinh thần vui vẻ, lạc quan và yêu đời. Tránh thức khuya, dậy sớm, lo âu và căng thẳng. Giữ ấm cơ thể để tránh bị cảm lạnh và đau nhức xương khớp.


Thứ Ba, 5 tháng 3, 2024

Người bệnh gout tuyệt đối tránh 6 loại thực phẩm này

                                                   Hồng Diệp (theo boldsky)

Bệnh gout là một dạng viêm khớp gây đau, sưng tấy cho người bệnh. Người bị gout nên lưu ý tuyệt đối tránh 6 loại thực phẩm sau để hạn chế sự phát triển của bệnh.

Người bệnh gout tuyệt đối tránh 6 loại thực phẩm này. Đồ hoạ: Hồng Diệp.© Lao Động

1. Thịt đỏ và nội tạng

Nên tránh tất cả các loại nội tạng như gan, thận,... và các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt xông khói, gà tây... vì chúng chứa lượng purine cao, có thể làm tăng mức độ viêm và gây ra các cơn đau gout.

2. Động vật có vỏ

Một trong những loại thực phẩm khác cần tránh là động vật có vỏ như tôm hùm và tôm. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh ăn cá cơm, cá mòi, cá thu, sò điệp, cá trích... Đây đều là những thực phẩm có hàm lượng purine cao, có hại cho người mắc bệnh gout.

3. Carbohydrate tinh chế

Bao gồm bánh mì trắng, gạo trắng, mì ống, đường có thể ảnh hưởng đến nồng độ axit uric trong cơ thể, từ đó gây ra các cơn gút. Các nghiên cứu chỉ ra rằng carbohydrate tinh chế có hàm lượng đường cao, có liên quan đến béo phì - một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh gout.

4. Thực phẩm chế biến sẵn

Nên tránh các thực phẩm như đồ ăn nhanh, đồ đông lạnh khi bị bệnh gút. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thực phẩm chế biến sẵn là một trong những loại thực phẩm có hại nhất đối với những người mắc bệnh gout vì nó làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể bạn.

5. Đồ uống có đường

Hàm lượng đường trong những đồ uống này làm cản trở quá trình giải phóng purine - nguyên nhân chính gây ra các cơn gout. Ngoài ra, hàm lượng fructose trong những đồ uống này làm tăng nồng độ axit huyết thanh trong cơ thể.

6. Rượu

Bất kỳ loại rượu nào cũng đều không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là người bị gout bởi trong rượu có chứa nhiều purin. Các loại bia, rượu cũng làm ảnh hưởng đến tình trạng viêm nhiễm của các khớp, làm tăng nguy cơ trầm trọng của bệnh gout.

 


Tác dụng phụ khi ăn quá nhiều hạt điều

 NGỌC THÙY (THEO ONLYMYHEALTH)

Hạt điều là thực phẩm giàu dinh dưỡng có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, khi dung nạp quá nhiều thực phẩm này thì lại gây phản tác dụng, thậm chí gây hại cho sức khỏe. Đồ họa: Ngọc Thùy© Lao Động

Hạt điều là thực phẩm giàu dinh dưỡng có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, khi dung nạp quá nhiều thực phẩm này thì lại gây phản tác dụng, thậm chí gây hại cho sức khỏe.

Tăng cân

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn hạt điều có thể giúp bạn giảm cân. Điều đó có thể nhưng chỉ với số lượng rất hạn chế, kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục đầy đủ. Đặc biệt, trong hạt điều có chứa hàm lượng calo cao nên việc tiêu thụ quá nhiều hạt điều thường xuyên có thể góp phần tăng cân hơn là giảm cân.

 Vấn đề về tiêu hóa

Hạt điều, giống như các loại hạt khác, rất giàu chất xơ. Mặc dù chất xơ có lợi cho quá trình tiêu hóa nhưng tiêu thụ quá nhiều hạt điều trong một lần ăn có thể dẫn đến đầy hơi hoặc thậm chí tiêu chảy, đặc biệt nếu hệ tiêu hóa của bạn không quen với thực phẩm giàu chất xơ.

Dị ứng

Một số người cũng có thể bị dị ứng với hạt điều. Những phản ứng này có thể từ các triệu chứng nhẹ như ngứa và nổi mề đay đến các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở.

Hàm lượng oxalate

Hạt điều có chứa oxalate, hợp chất có thể góp phần hình thành sỏi thận ở những người dễ mắc bệnh. Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu oxalate có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận theo thời gian.

Axit béo omega-6

Trong khi hạt điều cung cấp chất béo lành mạnh, chúng cũng chứa axit béo omega-6. Việc hấp thụ quá nhiều axit béo omega-6 có thể dẫn đến mất cân bằng, có khả năng góp phần gây viêm và các vấn đề sức khỏe khác.

 


Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

Nồng độ purin trong một số loại cá mà người axit uric cao cần biết

  HẠ MÂY (THEO ABOLUOWANG) 

Người có axit uric cao có thể ăn một số loại cá. Đồ hoạ: Hạ Mây© Lao Động


Đối với những người có quá trình chuyển hóa axit uric bất thường, việc ăn thực phẩm có hàm lượng purin cao ảnh hưởng đến cơ thể, tốc độ đào thải axit uric. Dưới đây là nồng độ purin trong một số loại cá mà người axit uric cao cần biết.

Các sản phẩm thủy hải sản, gồm cá mòi, cá cơm, tôm, trứng cá muối, cá đuôi trắng... đều là những thực phẩm có hàm lượng purin cực cao, tức là hàm lượng purin trên mức 150mg/100gr thủy sản. Đây là thực phẩm mà bệnh nhân mắc bệnh gút và tăng axit uric máu nên tránh hoàn toàn.

Các loại cá có hàm lượng purin cao, bao gồm cá chép, cá chẽm... có hàm lượng purin từ 75 - 150mg/100gr. Đối với loại thực phẩm này, bệnh nhân mắc bệnh gút và tăng axit uric máu nên hạn chế tiêu thụ.

Những loại cá có hàm lượng purin trung bình và thấp, có hàm lượng purin từ 30 - 75mg/100 gr như cá hồi, cá rô, cá diêu hồng, cá quả, cá trắm… thì người có lượng axit uric cao có thể ăn một chút khi tình trạng bệnh đang ổn định.

Ngoài ra, chế biến các loại cá thành món ăn cũng ảnh hưởng tới hàm lượng purin. Trong đó các món luộc hoặc hấp có lợi cho người có nồng độ axit uric cao và bệnh gút hơn các món cá nướng hoặc gỏi cá sống. Luộc hoặc hấp có thể làm giảm hàm lượng purin tổng thể của cá.

Cá là thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3, các vitamin B2, B12, vitamin D và các khoáng chất thiết yếu, chất chống oxy hoá.

Do đó, người có axit uric cao, bệnh gút có thể tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng các loại cá.