Nồng độ purin trong một số loại cá mà người axit uric cao cần biết

  HẠ MÂY (THEO ABOLUOWANG) 

Người có axit uric cao có thể ăn một số loại cá. Đồ hoạ: Hạ Mây© Lao Động


Đối với những người có quá trình chuyển hóa axit uric bất thường, việc ăn thực phẩm có hàm lượng purin cao ảnh hưởng đến cơ thể, tốc độ đào thải axit uric. Dưới đây là nồng độ purin trong một số loại cá mà người axit uric cao cần biết.

Các sản phẩm thủy hải sản, gồm cá mòi, cá cơm, tôm, trứng cá muối, cá đuôi trắng... đều là những thực phẩm có hàm lượng purin cực cao, tức là hàm lượng purin trên mức 150mg/100gr thủy sản. Đây là thực phẩm mà bệnh nhân mắc bệnh gút và tăng axit uric máu nên tránh hoàn toàn.

Các loại cá có hàm lượng purin cao, bao gồm cá chép, cá chẽm... có hàm lượng purin từ 75 - 150mg/100gr. Đối với loại thực phẩm này, bệnh nhân mắc bệnh gút và tăng axit uric máu nên hạn chế tiêu thụ.

Những loại cá có hàm lượng purin trung bình và thấp, có hàm lượng purin từ 30 - 75mg/100 gr như cá hồi, cá rô, cá diêu hồng, cá quả, cá trắm… thì người có lượng axit uric cao có thể ăn một chút khi tình trạng bệnh đang ổn định.

Ngoài ra, chế biến các loại cá thành món ăn cũng ảnh hưởng tới hàm lượng purin. Trong đó các món luộc hoặc hấp có lợi cho người có nồng độ axit uric cao và bệnh gút hơn các món cá nướng hoặc gỏi cá sống. Luộc hoặc hấp có thể làm giảm hàm lượng purin tổng thể của cá.

Cá là thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3, các vitamin B2, B12, vitamin D và các khoáng chất thiết yếu, chất chống oxy hoá.

Do đó, người có axit uric cao, bệnh gút có thể tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng các loại cá.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến